Theo Liên đoàn Lao động thị xã Tân Uyên, Bình Dương, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sản xuất hàng hóa ra nhưng chưa xuất đi được vì thị trường thế giới vẫn chưa phục hồi nên phải hoạt động cầm chừng.
Hàng lưu kho nhiều, doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm giờ làm và sắp xếp lại thời gian làm việc để giữ chân người lao động chờ đến khi xuất được hàng và có đơn hàng mới.
Đối với ngành dệt may, ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, mới đây một công ty tại phường Bình Hòa, thành phố Thuận An phải cắt giảm một nửa lao động (1.000 công nhân) vì không có đơn hàng.
Theo ông Vân về cuối năm, các doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi cạnh tranh tìm đơn hàng và nguy cơ người lao động mất việc làm sẽ rất lớn.
Tại Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, có hơn 160.000 công nhân lao động, thời gian từ đầu năm đến nay, số lượng lao động bị ảnh hưởng việc làm dao động khoảng 10.000 người.
Bà Mai Thanh Thảo - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, nhiều công ty phải lập kế hoạch sản xuất trong tháng cho người lao động nghỉ luân phiên và trả từ 50-70% lương.
Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, tháng 7.2020 có 11.467 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính lũy kế trong năm 2020 đã có 66.152 người, theo dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm.